Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS Phạm Văn Dũng – Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường giúp cung cấp đầy đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị đái tháo đường được 1SK chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường
Theo thống kê tỉ lệ người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) ngày càng gia tăng, năm 2003 thế giới có 194 triệu người mắc ĐTĐ nhưng dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 333 triệu người mắc, các nước phát triển tăng 42%, các nước đang phát triển dự kiến tăng 170% và tăng nhiều nhất ở các nước Đông Nam Á.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với khối lượng hợp lý
– Chế độ ăn không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn
– Các bữa ăn hạn chế được các rối loạn chuyển hóa
– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
– Duy trì được hoạt động thể lực hằng ngày
– Phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương
– Bữa ăn đơn giản, tiện lợi, không quá đắt tiền
Khi đã biết các nguyên tắc này các bạn có thể cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh tốt hơn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe hiệu quả.
Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân bị đái tháo đường
2. Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng
Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, loại công việc, thể trạng gầy hay béo,…
Glucid (chất bột đường)
Trong chế độ ăn của bệnh nhân nên hạn chế glucid (bột, đường), tuy nhiên không được giảm quá nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường. Tỉ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 – 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần. Nên sử dụng các glucid phức hợp gồm gạo, khoai củ. Hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao như đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt.
Người bệnh đái tháo đường cần quan tâm đến chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm. Chỉ số đường huyết là mức đường huyết 2 giờ sau khi ăn một lượng thức ăn nhất định. Nghiên cứu so sánh với mức đường huyết 2 giờ sau khi ăn một lượng thức ăn được coi là chuẩn (bánh mì trắng là 100%). Từ đó, các bạn sẽ có lối sống khỏe giúp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Protein (chất đạm)
Lượng đạm trong khẩu phần cần cao hơn so với người bình thường và nên đạt 15% – 20% năng lượng khẩu phần (người bình thường là 12% – 14 %).
Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vì các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn.
Người bị đái tháo đường cần ăn nhiều lượng đạm
Lipid (chất béo)
Giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch. Khẩu phần của người đái tháo đường cũng rất cần chất béo để cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp bị giảm). Nên ăn các axit béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…). Năng lượng do chất béo nên từ 20% đến dưới 30% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18-20%) và không nên vượt quá 30%.
Vitamin và các yếu tố vi lượng
Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi.
Xem thêm: Thực đơn đặc biệt cho bệnh nhân đái tháo đường
Chất xơ
Nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ (xenlulozo), nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong gạo giã chưa kỹ, các loại rau củ quả. Chất xơ có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.
Số bữa ăn
Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày:
– Bữa sáng: 10%
– Bữa phụ buổi sáng: 10%
– Bữa trưa: 30%
– Bữa phụ buổi chiều: 10%
– Bữa tối: 30%
– Bữa phụ buổi tối (trước khi đi ngủ): 10%
Khi bạn nắm vững chế độ ăn này cùng thực đơn cho bệnh nhân nam bị đái tháo đường sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.
Chế biến thực phẩm
– Nên ăn món luộc, hấp và hạn chế các món chiên rán
– Các loại khoai củ: không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao
– Nên ăn quả chín cả múi, miếng để có chất xơ, hạn chế ép hoặc xay sinh tố
Để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615.
Thảo luận về post này