Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS Phạm Văn Dũng – Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai.
Theo WHO, loãng xương là một bệnh lý về xương hệ thống, đặc trưng bởi mật độ xương thấp và sự suy giảm vi cấu trúc của mô xương với hậu quả là làm tăng tính dễ gãy của xương. Vậy bệnh loãng xương nên ăn gì là câu hỏi nhiều người thắc mắc. 1SK chia sẻ cho bạn mục tiêu, nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị bệnh loãng xương trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Chế độ dinh dưỡng
Mục tiêu
Chế độ dinh dưỡng trong phòng và điều bệnh loãng xương đóng vai trò quan trọng giúp bảo tồn chiều cao, hỗ trợ và cải thiện chức năng hệ xương, làm hạn chế tình trạng rạn, nứt, gãy xương.
Nguyên tắc dinh dưỡng
- Đảm bảo nhu cầu về năng lượng: 30-35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày
- Đảm bảo nhu cầu canxi theo lứa tuổi
- Đảm bảo đủ vitamin D
- Lượng protein, lipid, muối natri trong khẩu phần nên vừa phải, nếu cao sẽ làm tăng bài xuất canxi.
- Đảm bảo tỷ lệ giữa canxi và phốt pho tốt nhất là 1,5-2
- Hoạt động thể lực điều độ, không uống nhiều rượu bia, duy trì cân nặng tiêu chuẩn, phù hợp với chiều cao và độ tuổi.
Nếu thực hiện các nguyên tắc dinh dưỡng này bạn sẽ có cách sống khỏe tốt cho người bị loãng xương.
Nhu cầu canxi
Theo khuyến nghị của Hội tiết chế Mỹ (2012), nhu cầu canxi hàng ngày khoảng > 1200mg canxi/ngày và bổ sung thêm vitamin D nếu cần. Ở phụ nữ mãn kinh, nhu cầu canxi hàng ngày khoảng 1500mg.
Theo khuyến nghị của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ – NIH (2011), nhu cầu canxi hàng ngày ở người trưởng thành là:
- Phụ nữ có thai và cho con bú khoảng 1000 – 1300 mg/ngày, người trưởng thành khoảng 1000mg/ngày, phụ nữ > 50 tuổi và đàn ông > 70 tuổi khoảng 1200mg/ngày.
- Với trẻ em: Nhu cầu canxi hàng ngày với nhóm trẻ 0 – 6 tháng tuổi: 200mg/ngày, 7 – 12 tháng khoáng 260mg/ngày, 1 – 3 tuổi khoảng 700mg/ngày, 4 – 8 tuổi khoảng 1.000mg/ngày và 9 – 18 tuổi: 1300mg/ngày.
Viện Nghiên cứu Y học Hoa Kỳ – IOM (2014) khuyến nghị nhu cầu canxi hàng ngày cho nam giới từ 50-70 tuổi khoảng 1000mg/ngày và cho nữ giới từ 51-71 tuổi trở lên khoảng 1200mg/ngày. Khi cơ thể được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh có thể cải thiện tình trạng tốt hơn.
Nhiều nghiên cứu đã thử nghiệm và chứng minh chế độ dinh dưỡng giàu canxi và vitamin D có thể làm giảm nguy cơ gãy xương.
Nhu cầu vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong sự hấp thu canxi, sức khỏe xương, hoạt động cơ, giúp thăng bằng và giảm nguy cơ ngã.
Viện nghiên cứu Y học Hoa Kỳ – IOM 2014 khuyến nghị nhu cầu vitamin D hàng ngày cho người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên khoảng 800-1000 IU/ngày, và khoảng 600-800 IU/ngày đối với người trên 70 tuổi. Nhiều người bệnh loãng xương sẽ cần lượng vitamin D hàng ngày nhiều hơn nhu cầu khuyến nghị khoảng 800 – 1000 IU/ngày.
Một số người bệnh có nguy cơ cao thiếu vitamin D do mắc bệnh làm giảm hấp thu vitamin D như: bệnh viêm ruột, bệnh nhân sau mổ cắt dạ dày, suy thận mạn tính, bệnh nhân sử dụng các thuốc làm tăng phân hủy vitamin D (thuốc chống trầm cảm), một số người bệnh nằm tại chỗ dẫn tới hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Xem thêm: Thực phẩm nên ăn và tránh cho người bị loãng xương
Hoạt động thể lực và bệnh loãng xương
Chế độ rèn luyện thể lực đóng vai trò khá quan trọng trong việc phát triển xương và giữ cho xương chắc chắn. Cường độ tập luyện, dạng tập luyện, tuổi bắt đầu tập luyện có những tác động tích cực đến các xương khác nhau.
Tập luyện quá sức, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến bài tiết hóc môn, đặc biệt ở tuổi tiền mãn kinh, có thể kèm theo suy dinh dưỡng và tăng thoái hoá xương.
Những môn thể thao nhẹ nhàng: đi bộ, chạy ngắn, bơi lội, xe đạp, bóng bàn, cầu lông… được khuyến nghị cho lứa tuổi trưởng thành và sau 50 tuổi. Với người cao tuổi, trong các hoạt động thể thao và các động tác hàng ngày, luôn chú ý đề phòng bị ngã, tránh làm những động tác sai tư thế có thể làm gãy xương.
Thảo luận về post này