Stress là tình trạng mà mỗi người đều phải trải qua trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng có phải ai gặp stress cũng mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần hay không? Bài viết dưới đây được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh – Phòng rối loạn cảm xúc – Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Mục lục
1. Stress là gì?
Stress là môt thuật ngữ dùng trong vật lý học để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu đựng. Từ thế kỉ 17, stress được chuyển sang dùng cho con người với ý nghĩa một sức ép hay xâm phạm nào đó tác động vào con người gây ra một phản ứng căng thẳng. Stress là một trạng thái căng thẳng cấp diễn khiến cơ thể buộc phải huy động các khả năng phòng vệ để đối phó với một tình huống đang đe dọa. Nếu bạn có lối sống khỏe sẽ hạn chế nguy cơ bị stress hơn.
2. Cơ chế gây bệnh của stress
Hàng ngày, hàng giờ mỗi cá nhân trong xã hội chịu tác động của nhiều loại stress. Tuy nhiên, stress có gây bệnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố phức tạp, có thể kể đến hai nhân tố chính là: đặc điểm gây bệnh của stress và sức chống đỡ của nhân cách.
Người bị stress thường rất mệt mỏi
3. Đặc điểm gây bệnh của stress
Stress gây bệnh thường là những stress mạnh và cấp diễn (mất người thân đột ngột, tổn thất kinh tế nặng nề). Tuy nhiên, có những loại stress tuy không mạnh và cấp diễn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần gây căng thẳng nội tâm cũng có khả năng gây bệnh.
Những stress gây xung đột nội tâm làm cho chúng ta không tìm được lối thoát cũng thường gây bệnh (ví dụ, một đôi vợ chồng mâu thuẫn gay gắt kéo dài nhưng không thể ly dị được do vướng bận con cái). Bên cạnh đó, stress tác động vào cá nhân thường gây bệnh nhiều hơn stress tác động vào một cộng đồng, đó là cơ chế chia sẻ gánh nặng, nỗi buồn. Stress sẽ khiến người bệnh căng thẳng, mệt mỏi nên bạn cần chăm sóc sức khỏe tinh thần thật tốt nhé.
Stress gây mệt mỏi cho người bệnh
4. Sức chống đỡ của nhân cách
Nếu đối tượng nhận thức tình huống stress không nguy hiểm và có thể chống đỡ được thì sẽ có một phản ứng thích hợp bình thường. Ngược lại, nếu chúng ta nhận thức tình huống là nguy hiểm và không thể chống đỡ được sẽ có nguy cơ xuất hiện một phản ứng bệnh lý.
Những cá thể có nét nhân cách dễ bị tổn thương trước stress bao gồm: cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, tránh né, dễ xúc động, khó làm chủ bản thân, đánh giá cao khó khăn, có xu hướng làm vấn đề trở nên trầm trọng, tự ti, bi quan về bản thân. Trái lại, những người có khả năng làm chủ được tình huống, có ý chí và tinh thần trách nhiệm, có khả năng mềm dẻo, dễ thích nghi với hoàn cảnh sẽ có sức chống đỡ với stress tốt hơn.
Xem thêm: Tâm lý và diễn biến nội tâm của người trầm cảm
Con người là chủ thể chính trong môi trường sống, do đó môi trường và nhân cách tác động qua lại lẫn nhau rất mật thiết. Để có thể vượt qua stress và có một sức khỏe tinh thần tốt, chúng ta cần nâng cao sức chống đỡ của cơ thể, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để có một cơ thể khỏe mạnh. Bởi một cơ thể khỏe mạnh chính là yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho nhân cách chống đỡ với stress.
Để được tư vấn về phương pháp vượt qua stress hiệu quả, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615
Thảo luận về post này