Lo lắng là một phản ứng cảm xúc tự nhiên trước khó khăn, thử thách mà con người phải tìm ra giải pháp để vượt qua và tồn tại. Vậy lo lắng có phải là rối loạn lo âu? Những biểu hiện của lo âu bệnh lý là gì?
Cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này qua tư vấn của ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh – Phòng rối loạn cảm xúc – Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Mục lục
1. Phân biệt lo lắng và rối loạn lo âu
Lo lắng (worry) là phản ứng cảm xúc tự nhiên của mỗi chúng ta trước những vấn đề căng thẳng, stress phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Khi đã có giải pháp vượt qua được, hoặc thử thách không còn nữa thì lo lắng cũng chấm dứt.
Rối loạn lo âu (anxiety) là một trạng thái cảm xúc lo lắng khi chúng ta trải qua stress. Lo âu mang đặc tính dai dẳng, lan tỏa, tản mạn, không khu trú thậm trí không liên quan đến hoàn cảnh đặc biệt nào đó xảy ra xung quanh hoặc có liên quan đến những sự kiện đã qua không còn tính chất thời sự nữa. Như vậy, người bệnh có thể khởi phát các triệu chứng của lo âu mà không trải qua bất cứ căng thẳng, stress nào.
Khi đã biết cách phân biệt giữa lo lắng và rối loạn lo âu và biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ giúp bạn có một cuộc sống tốt hơn.
Tìm hiểu về chứng rối loạn lo âu
2. Biểu hiện của rối loạn lo âu
Người mắc rối loạn lo âu thường than phiền cảm giác lo lắng không có chủ đề rõ ràng. Ngoài ra, người bệnh cũng lan man về những chủ đề thường gặp trong cuộc sống như công việc, gia đình, kinh tế, các mối quan hệ mặc dù thực tế không có gì đáng để lo. Thậm chí, họ có thể lo sợ bản thân hoặc người ruột thịt sẽ sớm mắc bệnh, sẽ bị tai nạn, hoặc lo về một tương lai bất hạnh, đói kém, cô đơn mà không hề có căn cứ thực tế nào. Khi bạn biết cách sống khỏe sẽ tránh được việc mắc phải chứng rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu không phải là cảm giác lo lắng thoáng qua mà thường kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng đến nỗi bệnh nhân mất ăn, mất ngủ. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ICD 10 (Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10), rối loạn lo âu lan tỏa phải kéo dài ít nhất 6 tháng liên tục.
Người bị rối loạn lo âu hay run tẩy chân tay
Rối loạn lo âu có thể xuất hiện triệu chứng khác nhau ở mỗi người, nhưng thường có các biểu hiện như:
– Kích thích, nóng nảy, bồn chồn
– Run rẩy chân tay
– Rối loạn giấc ngủ (ngủ rất khó, không duy trì được yên giấc)
– Vã mồ hôi nhiều (kể cả lúc trời lạnh)
– Hồi hộp, đánh trống ngực
– Đi tiểu nhiều lần
– Căng thẳng cơ bắp
– Rất mau mệt kể cả sau một cố gắng nhỏ
– Cáu bẳn (dễ nổi khùng)
– Hoa mắt, chóng mặt
– Hụt hơi khi thở
– Có thể gặp cảm giác buồn chán.
Xem thêm: Rối loạn lo âu lan tỏa: Những điều cần biết
Rối loạn lo âu đôi khi còn được gọi bằng khái niệm khác như rối loạn thần kinh thực vật, tuy nhiên, đó chỉ là một nhóm triệu chứng trong hội chứng lo âu và một số rối loạn tâm thần khác. Rối loạn lo âu cần được chẩn đoán đúng và có chiến lược điều trị phù hợp bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Để được tư vấn chi tiết về rối loạn lo âu, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615
Thảo luận về post này