Nghiện game có được xếp là một rối loạn tâm thần? Những dấu hiệu của nghiện game là gì? Bạn nên làm gì khi mình hoặc người thân có dấu hiệu nghiện game. Cần làm gì để phòng việc tránh nghiện game? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này qua những chia sẻ của ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh – Phòng rối loạn cảm xúc – Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Mục lục
1. Nghiện game có phải là rối loạn tâm thần?
Mặc dù các trò chơi điện tử đã xuất hiện gần 50 năm và dần trở nên phổ biến với cả người lớn cũng như trẻ em, các nghiên cứu về tác hại của nó vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các nhóm khác nhau cũng đưa ra những kết luận khác nhau về việc đam mê các trò chơi có nên được gọi là nghiện hay không.
Năm 2018, tổ chức Y tế thế giới đã thêm “rối loạn chơi game” (gaming disorder) vào bảng phân loại bệnh tật quốc tế. Nhưng theo hướng dẫn của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, DSM-5 thì nghiệm game không phải là một rối loạn. Cho đến nay, cờ bạc là hoạt động duy nhất được liệt kê là có thể gây nghiện. Khi bạn biết cách sống khỏe sẽ phân bổ thời gian học tập, nghỉ ngơi và chơi game hợp lý.
2. Những dấu hiệu nghiện game
Những dấu hiệu của nghiện game có thể xảy ra cho dù bạn chơi trực tuyến hay ngoại tuyến. Dưới đây là những dấu hiệu bạn có thể thấy ở chính mình hoặc người thân của bạn như các thành viên trong gia đình hay bạn bè của bạn. Nếu có từ năm dấu hiệu trở lên trong các dấu hiệu sau và kéo dài trên 1 năm, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tâm thần để kết luận xem mình có nghiện game hay không.
– Nghĩ về việc chơi game mọi lúc hoặc mọi nơi
– Cảm thấy tồi tệ khi bạn không thể chơi game
– Cần dành nhiều thời gian chơi hơn để cảm thấy vui vẻ
– Không thể bỏ chơi hoặc thậm chí gặp khó khăn khi cố gắng chơi ít hơn
– Không muốn làm những hoạt động khác mà bạn từng thích
– Gặp các vấn đề ở cơ quan, trường học hoặc ngay chính trong gia đình vì trò chơi của bạn
– Tìm mọi cách để chơi game
– Nói dối những người thân về thời gian chơi game
– Sử dụng trò chơi để giảm bớt tâm trạng và cảm xúc tồi tệ
Dấu hiệu của nghiện game là chơi game thường xuyên để giải tỏa tâm trạng
3. Làm gì khi bị nghiện game?
Tất nhiên, không phải ai chơi điện tử nhiều cũng là nghiện game. Theo thống kê, tỷ lệ người chơi đáp ứng các tiêu chí trên về nghiện game là rất nhỏ. Ước tính có khoảng từ 1% đến 9% tổng số người chơi, bao gồm cả người lớn và trẻ em, trong đó nam giới và trẻ em trai phổ biến hơn là phụ nữ và trẻ em gái. Có thể bạn nên tự hỏi bản thân một vài câu hỏi: “Trò chơi điện tử có cản trở những điều quan trọng khác trong cuộc sống của bạn, như các mối quan hệ, công việc hay việc đi học của bạn không?”. “Bạn có cảm thấy mình đã vượt qua ranh giới giữa yêu thích chơi và bắt buộc phải chơi không?”. “Bạn có đang sử dụng trò chơi để tránh một vấn đề trầm trọng hơn, ví dụ như trầm cảm?”.
Đôi khi bạn có thể rất khó nhận ra vấn đề của chính mình. Khoảng thời gian bạn dành để chơi game có vẻ ổn đối với bạn, nhưng nếu những người thân của bạn nói rằng điều đó là quá nhiều, có lẽ đã đến lúc bạn nên suy nghĩ cần cắt giảm việc chơi game. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng trẻ dành nhiều thời gian cho việc chơi game, vậy hãy xem với bạn bè ở trường chúng hoạt động tốt như thế nào. Nếu chúng đạt điểm cao và có mối quan hệ tốt với cha mẹ là những dấu hiệu cho thấy trẻ chơi trò chơi điện tử không có vấn đề gì. Cha mẹ cần quan tâm tới sức khỏe tinh thần của trẻ để tránh tình trạng trẻ bị nghiện game.
Phân bổ thời gian chơi game hợp lý cho trẻ em
4. Cách phòng tránh nghiện game
Để kiểm soát thời gian chơi game, dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng cho cả người lớn và trẻ em:
– Đặt giới hạn thời gian chơi và nghiêm túc tuân thủ
– Không để điện thoại và các thiết bị khác trong phòng ngủ để bạn không chơi thâu đêm
– Thực hiện các hoạt động khác hàng ngày, bao gồm cả tập thể dục. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi ngồi và chơi game trong thời gian dài
– Đảm bảo rằng chỉ chơi những trò chơi được xếp hạng phù hợp với lứa tuổi
Để được tư vấn chi tiết về vấn đề nghiện game, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615.
Xem thêm: Những điều cần biết về chán ăn tâm thần
Thảo luận về post này