Bài viết được cố vấn chuyên môn từ ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh – Phòng rối loạn cảm xúc – Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Sự cô lập bắt buộc trong những ngày giãn cách do đại dịch COVID làm suy giảm đáng kể các cơ hội gặp gỡ xã hội. Những sinh hoạt quan trọng hàng ngày như đi học hay đi làm cũng bị gián đoạn. Do đó, mạng xã hội trở thành phương tiện chúng ta sử dụng để kết nối với xã hội. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội có khả năng đi kèm với mối đe dọa lâu dài hơn, đó chính là hiện tượng sợ bị bỏ lỡ – FOMO.
Mục lục
1. Hiện tượng FOMO là gì?
FOMO được viết tắt của cụm từ Fear of Missing Out, đây không phải là một chứng rối loạn tâm lý, tuy nhiên, những hệ quả tâm lý nó để lại là có thật. Về cơ bản, FOMO xuất phát từ việc liên tục so sánh cuộc sống của chúng ta với cuộc sống của người khác và tin rằng bất cứ điều gì họ đang trải nghiệm đều tốt hơn những gì bản thân đang có. FOMO khiến mọi người muốn duy trì kết nối liên tục với những gì người khác đang làm để được trải nghiệm những điều tốt đẹp mà chúng ta luôn mơ ước.
Fomo – hiện tượng sợ bị bỏ lỡ
2. FOMO và mạng xã hội
Những người mang nỗi sợ bị bỏ lỡ cảm thấy mạng xã hội có một sự thu hút đặc biệt. Họ quan tâm quá mức đến các nhóm cộng đồng chia sẻ trải nghiệm hoặc những trang cá nhân của người khác.
Việc dành quá nhiều thời gian trên “thế giới ảo” không chỉ làm ảnh hưởng đến những hoạt động xã hội khác, bao gồm công việc, học tập, mối quan hệ giữa các cá nhân hiện có trong gia đình mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và cả hạnh phúc riêng của mỗi người dùng khi họ liên tục so sánh bản thân, có thể theo một cách vô thức, với những người thậm chí không hề quen biết.
Thực tế, mạng xã hội là điểm nhấn trong cuộc sống của mỗi người, không phải là sự phản ánh toàn diện trải nghiệm hàng ngày của họ. Khi bạn nhìn thấy khoảnh khắc đẹp nhất của ai đó trong ngày, bạn có thể tự động nghĩ về thực tế trần trụi trong cuộc sống của chính mình. Bạn nên xây dựng cho mình một lối sống khỏe, hạn chế sử dụng mạng xã hội để tránh nguy cơ mắc phải b ệnh Fomo.
FOMO làm giảm giá trị bản thân của mỗi chúng ta, nó có thể làm gia tăng trạng thái lo âu và trầm cảm, khiến chúng ta quay trở lại phương tiện truyền thông xã hội với mưu cầu tiếp tục được “giải trí” và kết nối. Một vòng lặp đang được tạo ra trong chính cuộc sống của chúng ta, càng lo sợ bỏ lỡ càng liên tục sử dụng xã hội, và càng liên tục sử dụng mạng xã hội chúng ta càng lo sợ bị bỏ lỡ.
Người bị Fomo thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội
3. Phòng tránh FOMO bằng cách nào?
Thực hành lấy lại sự tự chủ khi sử dụng mạng xã hội
FOMO là một tín hiệu cho thấy bạn khao khát được kết nối với người khác và với chính những giá trị cốt lõi của bản thân mình. Bởi vậy để lấy lại sự tự chủ và tự tin khi sử dụng mạng xã hội, bạn có thể thực hành những điều dưới đây:
– Thực hành lòng biết ơn và trân trọng bản thân mỗi ngày
Liệt kê những điều tốt đẹp mỗi ngày và chỉ ra đầy đủ những điều ta cảm thấy trân quý ở bản thân mình. Lòng biết ơn không chỉ làm cho bạn hạnh phúc hơn mà nó còn có mối liên hệ với việc giảm mức độ căng thẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.
– Học cách điều hòa hơi thở, thở chậm, sâu giúp bạn bình tĩnh và thư thái hơn
– Thiết lập ranh giới lành mạnh với phương tiện truyền thông và mạng xã hội
Xem thêm: Mối liên quan giữa lo âu – stress và mất ngủ
Hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội
Một số nghiên cứu cho thấy, hạn chế sử dụng mạng xã hội khoảng 30 phút mỗi ngày có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần, bao gồm sự cô đơn, trầm cảm và lo âu. Bạn có thể hạn chế sử dụng mạng xã hội với các gợi ý sau:
– Đặt báo thức trên điện thoại trong vòng 30 phút để giới hạn tình trạng “lướt liên tục”
– Đặt điện thoại vào một phòng khác trong nhà hoặc một nơi kín đáo để giảm cảm giác muốn sử dụng mạng xã hội ngay khi ngủ dậy hay trước khi đi ngủ
– Thiết lập một ngày “không mạng xã hội” trong tuần hoặc trong tháng
– Cân nhắc trò chuyện với người hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp
Để được tư vấn chi tiết về hiện tượng sợ bị bỏ lỡ, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615.
Thảo luận về post này