Bạn đang tìm hiểu dinh dưỡng cho người bị gout? Bài viết sau đây được cố vấn chuyên môn bởi BS Phạm Văn Dũng – Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai.
Tỷ lệ người mắc bệnh gout tại Việt Nam ngày càng tăng do thói quen ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Chế độ ăn cho người mắc bệnh gout cần cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu dinh dưỡng của họ. Chế độ ăn giữ cho người bệnh có cân nặng trong giới hạn bình thường, tránh không bị thừa cân, béo phì cũng như tránh không để bị suy dinh dưỡng.
Mục lục
1. Bệnh Gout là gì?
Bệnh Gout (gút) là bệnh viêm khớp tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.
Tăng acid uric máu đơn thuần xảy ra khi nồng độ acid uric tăng cao vượt ngưỡng trong máu. Mức acid uric máu cao có thể dẫn đến một số bệnh bao gồm cả bệnh gout và cũng là nguy cơ gây các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn.
Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, đỉnh điểm phát bệnh là 50 tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh tăng dần ở cả hai giới nam và nữ ở các nhóm tuổi cao hơn.
Gout là bệnh viêm khớp tinh thể thường gặp ở độ tuổi ngoài 50
2. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng bệnh Gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Trong một số trường hợp, bệnh Gout không có dấu hiệu ban đầu. Các biểu hiện của bệnh Gout thường xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc Gout cấp tính hoặc mãn tính.
– Gout cấp tính: Khởi phát thường ở khớp bàn – ngón cái, có sưng, nóng, đỏ, đau. Acid uric máu tăng cao.
– Gout mạn tính: Lắng đọng sạn urat (tophi) thường có ở vành tai, mỏm khuỷu tay, mặt trụ xương cánh tay, gân Achilles.
– Bệnh thận Gout: Có sạn urat ở tủy thận.
– Viêm thận kẽ.
– Sỏi thận: Sỏi acid uric- sỏi urat natri.
Nắm vững nguyên nhân gây ra Gout sẽ giúp mọi người có lối sống khỏe để giữ gìn sức khỏe tốt nhất.
Mắc bệnh gout khiến cơ thể đau nhức ở chân
3. Nguyên nhân gây tăng acid uric máu và bệnh gout
– Bệnh Gout nguyên phát: Đây là nguyên nhân chiếm đa số các trường hợp, gắn liền với yếu tố cơ địa và di truyền. Người bị bệnh gout vô căn có quá trình tổng hợp purin nội sinh làm tăng acid uric quá mức. Bệnh phần lớn gặp ở nhóm nam giới độ tuổi trên 40, có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh.
– Bệnh Gout thứ phát: Acid uric tăng thứ phát do nhiều nguyên nhân sau:
+ Do ăn nhiều những thức ăn chứa nhiều nhân purin (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua..), uống nhiều rượu. Đây là những tác nhân phát động bệnh hơn là nguyên nhân trực tiếp.
+ Do tăng cường giáng hoá nhân purin nội sinh (phá huỷ nhiều tế bào, tổ chức bệnh đa hồng cầu, bạch cầu kinh thể tuỷ, Hogdkin…)
+ Do giảm thải acid uric qua thận: Viêm thận mạn tính, suy thận.
– Tăng bẩm sinh (bệnh Lesch-Nyhan): do thiếu men SGPT nên acid uric tăng cao ngay từ nhỏ, bệnh có các biểu hiện toàn thân, thần kinh, thận, khớp. Bệnh do bẩm sinh rất hiếm và nặng.
Gout khiến phần chân đau nhức vào ban đêm
4. Những người có nguy cơ bị mắc bệnh gout
– Có tiền sử gia đình bị bệnh gout
– Thừa cân, béo phì
– Nghiện rượu, nghiện cà phê
– Dùng nhiều thuốc lợi tiểu, aspirin, ciclosporin
5. Chế độ dinh dưỡng
a. Mục tiêu
Chế độ dinh dưỡng bệnh Gout giúp phòng ngừa tái phát cơn Gout cấp, ngăn ngừa trở thành Gout mạn tính và các biến chứng khớp, biến chứng thận, biến chứng tim mạch… Cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh sẽ giúp cải thiện tình trạng nhanh nhất.
b. Nguyên tắc chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh Gout cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, ít chất béo, đủ các vitamin khoáng chất và hạn chế purin.
Purin
Purin góp phần thực sự vào việc tăng acid uric máu. Các purin khẩu phần khác nhau làm tăng mức acid uric máu khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ thịt, hải sản ở mức cao có nguy cơ tăng acid uric.
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều hải sản và thịt đỏ sẽ dẫn tới tình trạng tăng acid uric máu. Do vậy, sử dụng một lượng vừa phải purin từ rau xanh, quả chín không làm gia tăng bệnh Gout.
Theo nghiên cứu về thói quen ăn uống của người bị tăng acid uric máu và bệnh nhân gout thì: Nhóm bệnh nhân gout có tần suất tiêu thụ trên 3 lần/tuần các thực phẩm giàu purin như thịt nạc các loại, phủ tạng, cá, hải sản, đậu đỗ, đậu phụ, bia/rượu.
Do đó, khẩu phần ăn cho bệnh nhân gout cần hạn chế purin, chỉ nên chọn những thực phẩm có hàm lương purin thấp. Nếu bệnh nhân bị gout cấp thì lượng purin cần giới hạn là 100-150 mg/ngày.
Người bị gout nên hạn chế ăn thực phẩm có purin
Lipid
Theo khuyến nghị của Hội tiết chế Mỹ (2012), chế độ ăn cho người bị bệnh Gout nên ít chất béo, không được vượt quá 30% tổng nhu cầu năng lượng.
Vitamin C
Một số báo cáo chỉ ra chế độ ăn giàu vitamin có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc bệnh Gout.
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Gout Anh (UK Gout Society), chế độ ăn cho bệnh nhân gout nên được bổ sung từ 500 đến 1500mg vitamin C/ngày giúp làm giảm acid uric máu.
Cung cấp đủ vitamin C cho người bị bệnh gout
Kiểm soát cân nặng
Một trong những nguy cơ gây ra bệnh Gout là béo phì. Tình trạng tăng mô mỡ nội tạng ở bệnh nhân gout có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin và gia tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Do vậy, trong điều trị bệnh Gout, ngoài theo dõi nồng độ acid uric máu còn cần theo dõi đường máu và các chỉ số mỡ máu để tránh trường hợp bệnh nhân bị béo phì, rối loạn dung nạp đường huyết hay hội chứng chuyển hóa.
Theo khuyến nghị của Hội tiết chế Mỹ, bệnh nhân bị gout nếu thừa cân, béo phì cần giảm cân. Trong trường hợp bệnh nhân bị béo quá mức nên giảm cân từ từ, không nên giảm quá nhanh.
c. Cách lựa chọn và chế biến thực phẩm
-
Một số thực phẩm nên ăn với người bị gout
– Các loại rau xanh: cà rốt, cần tây, rau diếp, su hào, dưa chuột, cà chua…
– Các loại quả chín: táo, lê, quýt, dưa hấu, dâu tây, chuối, mơ, dứa, nho…
– Các loại thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa như lựu, quả mâm xôi, quả dâu tây, quả cherry và các thực phẩm có tính kiềm.
– Các loại protein: trứng, sữa chua, sữa gầy, đậu nành, thịt lườn gà, …..
– Các loại rau gia vị: gừng, ớt, ớt ngọt,…
Các loại nước uống: nước khoáng kiềm, nước thảo mộc.
– Nên uống nhiều nước, khoảng 2 – 3 lít nước/ngày, uống nước khoáng
– Nên chế biến thức ăn bằng cách luộc hoặc hầm (nhiều nước) nhất là với thịt và không ăn phần nước.
– Nên sử dụng các sản phẩm sữa ít béo, các loại protein có nguồn gốc thực vật sẽ hạn chế tăng acid uric máu.
Với người bị gout nên ăn nhiều loại hoa quả
-
Một số thực phẩm cần tránh
– Không uống các loại đồ uống có cồn như rượu bia, các loại nước ngọt có đường fructose.
– Không nên ăn vặt giữa các bữa ăn. Bữa tối nên ăn trước khi đi ngủ 3 tiếng để ngăn ngừa tích tụ purin trong cơ thể.
– Hạn chế cách chế biến chiên, nướng.
– Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều nhân purin như: các loại hải sản cá cơm, cá mòi, cá trích, trứng cá muối, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn), thịt gia cầm, thịt hun khói, giăm bông, mỡ động vật, các loại nước hầm xương, súp….
Thảo luận về post này