Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh – Phòng rối loạn cảm xúc – Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý có sự ức chế mọi mặt tâm thần, tâm lý, bao gồm cảm xúc, tư duy và hoạt động. Rối loạn trầm cảm là bệnh có nhiều người đang mắc phải. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các triệu chứng và chẩn đoán căn bệnh này.
Mục lục
1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ hoạt động tâm thần. Trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động. Trầm cảm không chỉ là cảm xúc buồn, mệt mỏi thoáng qua, đó là một trạng thái cảm xúc tồn tại hầu hết thời gian trong ngày và ít nhất là 2 tuần.
Người bị trầm cảm thường bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực
2. Triệu chứng của trầm cảm
Các triệu chứng lâm sàng của giai đoạn trầm cảm bao gồm các nhóm triệu chứng chính, các triệu chứng phổ biến, các triệu chứng cơ thể hay còn gọi là triệu chứng sinh học, bao gồm:
Các triệu chứng chính của trầm cảm
– Khí sắc trầm: Khí sắc thay đổi ít từ ngày này sang ngày khác và thường không tương xứng với hoàn cảnh, kéo dài trong nhiều tuần, tối thiểu là 2 tuần
– Mất mọi quan tâm thích thú trong các hoạt động
– Giảm năng lượng và tăng sự mệt mỏi
Vì vậy, bạn cần có lối sống khỏe để tránh nguy cơ mắc phải căn bệnh trầm cảm.
Các triệu chứng phổ biến khác
– Giảm sự tập trung chú ý
– Giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc quyết định
– Ý tưởng bị tội và không xứng đáng
– Nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan
– Ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát
– Rối loạn giấc ngủ
– Thay đổi cảm giác ngon miệng (tăng hoặc giảm) với sự thay đổi trọng lượng cơ thể tương ứng
Các triệu chứng cơ thể (sinh học) của trầm cảm
– Giảm sự quan tâm hoặc thích thú trong các hoạt động hằng ngày
– Mất phản ứng cảm xúc với những sự kiện và môi trường xung quanh
– Buổi sáng thức giấc sớm 2 giờ trước thường ngày
– Trạng thái trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng
– Có bằng chứng khách quan về sự chậm chạp tâm thần vận động hoặc kích động (được người khác nhận thấy hoặc kể lại)
– Giảm những cảm giác ngon miệng
– Sút cân (5% hoặc nhiều hơn trọng lượng cơ thể so với tháng trước)
– Mất hoặc giảm hưng phấn tình dục rõ rệt
– Các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác trong giai đoạn trầm cảm có thể có hoặc không xuất hiện.
Các triệu chứng này dễ nhận biết nên bạn cần quan tâm tới sức khỏe tinh thần của bản thân và mọi người xung quanh nhé.
Người mắc bệnh trầm cảm thường bị hoang tưởng ảo giác
3. Chẩn đoán rối loạn trầm cảm
Chẩn đoán rối loạn trầm cảm điển hình khi người bệnh có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, phổ biến và sinh học, kéo dài ít nhất 2 tuần. Đồng thời cần xem xét loại trừ các biểu hiện trên là hậu quả của việc sử dụng các chất tác động tâm thần hoặc do rối loạn cơ thể nào đó gây ra. Trầm cảm ở nam giới hiện nay cũng nhiều người mắc nên cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Giai đoạn trầm cảm nhẹ
Bệnh nhân có 2/3 triệu chứng đặc trưng và 2/7 triệu chứng phổ biến.
Giai đoạn trầm cảm vừa
Có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng đặc trưng, thêm ít nhất 3 (và tốt hơn 4) những triệu chứng phổ biến.
Xem thêm: Tâm lý và diễn biến nội tâm của người trầm cảm
Giai đoạn trầm cảm nặng, không có các triệu chứng loạn thần
Có 3 trong số những triệu chứng điển hình cộng thêm ít nhất 4 triệu chứng khác, và một số phải đặc biệt nặng.
Giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo các triệu chứng loạn thần
Một giai đoạn trầm cảm nặng thỏa mãn các tiêu chuẩn đã nêu ra ở trên và trong đó có các hoang tưởng, ảo giác hoặc sững sờ trầm cảm. Các hoang tưởng thường bao gồm những ý tưởng tội lỗi, thấp hèn, hoặc những tai họa sắp xảy ra, trách nhiệm bệnh nhân phải gánh chịu. Những ảo thanh hoặc ảo khứu thường là giọng kết tội hoặc phỉ báng hoặc mùi rác mục hoặc thịt thối rữa. Sự chậm chạp tâm thần vận động nặng có thể dẫn đến sững sờ.
Khi bạn thấy bản thân có các biểu hiện trên, bạn nên thăm khám các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trầm cảm là một rối loạn có thể điều trị khỏi, thời gian điều trị phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện kịp thời và duy trì thuốc thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để được tư vấn chi tiết về rối loạn trầm cảm, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615.
Thảo luận về post này