Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS Phạm Văn Dũng – Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh đái tháo đường và bệnh gout có mối liên quan mật thiết đến nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và ngược lại.
Người bị bệnh gout và bệnh đái tháo đường nên tránh những thức ăn có thể ảnh hưởng đến nồng độ acid uric và insulin trong cơ thể. Do đó, chế độ ăn uống được đề nghị cho nhóm này tập trung vào việc làm giảm cả acid uric và lượng đường trong máu.
Mục lục
1. Mối liên quan của bệnh gout và bệnh đái tháo đường
Gout và đái tháo đường đều là các bệnh lý chuyển hóa, thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng và lối sống.
Theo tác giả Kodamas và cộng sự (2009): Phân tích tổng hợp về 11 nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi mức tăng acid uric (mg/dl) có liên quan với tăng 17% nguy cơ đái tháo đường. Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3.
Theo số liệu Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) đã công bố năm 2017, ước tính cứ 11 người trưởng thành (20-79 tuổi) lại có 1 người bị đái tháo đường tương đương 425 triệu người. Ước tính đến năm 2045 sẽ có gần 700 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Vì vậy, bạn cần xây dựng lối sống khỏe để tránh nguy cơ mắc các bệnh này.
2. Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng đến bệnh gout
Mức tiêu thụ thịt và hải sản cao hơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gout, trong khi mức tiêu thụ sản phẩm sữa cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ. Tăng mức tiêu thụ purin từ nguồn gốc động vật làm tăng gấp 5 lần nguy cơ cơn gout cấp.
Chế độ ăn giàu vitamin C (ít nhất 500 mg/ngày) có hiệu quả trong giảm nồng độ acid uric huyết thanh.
Mười ba thử nghiệm ngẫu nhiên đã được xác định trong cơ sở dữ liệu Medline, EMBase và Cochrane. Tổng số người tham gia là 556, liều vitamin C trung bình là 500 mg/ngày, quy mô thử nghiệm dao động từ 8-184 người tham gia và thời gian nghiên cứu trung bình là 30 ngày. Sau can thiệp, acid uric huyết thanh giảm đáng kể khoảng -0,35 mg/dl (p<0,05). Vì vậy, thực đơn cho bệnh gout phù hợp sẽ giúp cải thiện sức khỏe nhanh hơn.
3. Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng đến bệnh đái tháo đường
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA – American Diabetes Association) đã xác định dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong điều trị của bệnh nhân ĐTĐ: giảm carbonhydrat, tăng chất xơ, kiểm soát muối, đảm bảo đủ vi chất, hạn chế rượu, kiểm soát cân nặng, thay đổi lối sống,…
4. Dinh dưỡng trong điều trị người bệnh
Mục tiêu chính trong điều trị người bệnh là:
- Duy trì cân nặng chuẩn
- Kiểm soát đường huyết
- Kiểm soát nồng độ acid uric máu, phòng tránh cơn gout cấp tái phát
- Hạn chế các biến chứng của Gout, ĐTĐ
4.1. Duy trì cân nặng chuẩn
Chỉ số khối cơ thể (BMI) có mối tương quan tích cực với nồng độ AU trong máu. Kiểm soát cân nặng và giảm cân rất quan trọng với người mắc bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường, nhất là ở bệnh nhân thừa cân, béo phì. Ở bệnh nhân béo phì, việc giảm cân ít nhất 5% được cho là có hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết, mỡ máu và huyết áp.
4.2. Kiểm soát đường máu
Mục tiêu kiểm soát đường máu của ada 2019 cho bn người lớn không mang thai.
Xem thêm: Thực đơn đặc biệt cho bệnh nhân đái tháo đường
4.3. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh gout và bệnh đái tháo đường
- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng từ 30-35kcal/kg cân nặng/ngày.
- Hạn chế thực phẩm nhiều nhân purin
- Không uống rượu, bia và các chất kích thích.
- Uống nhiều nước >2 lít nước/ngày.
- Tăng cường thực phẩm giàu VTM C (tối thiểu 500mg/ngày)
- Tăng cường chất xơ: 20g/1000kcal
- Ăn điều độ, đúng giờ: không đói, no quá.
- -Chia nhỏ bữa (phụ thuộc vào phác đồ điều trị và mức đường máu).
- Không thay đổi quá nhanh và nhiều cơ cấu bữa ăn.
- Sử dụng đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, đặc biệt phối hợp thực phẩm nhiều chất xơ.
- Cần lưu ý đến chỉ số đường huyết của thực phẩm.
5. Cách ăn và chế biến thực phẩm
- Trong bữa ăn nên ăn các thực phẩm nhóm chất xơ trước khi ăn thực phẩm nhóm tinh bột.
- Hạn chế sử dụng các loại nước quả ép, xay sinh tố: nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ.
- Hạn chế các loại ngũ cốc, khoai củ chế biến dạng nướng vì có CSĐH cao.
- Hạn chế các loại thịt béo như da gà, thịt chim bồ câu, mỡ động vật…
- Hạn chế các thực phẩm chiên, rán.