Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết trung bình một người dân nước ta ăn 46,5 g đường mỗi ngày, cao gấp đôi khuyến cáo.
Lượng tiêu thụ đồ ăn có đường cũng tăng 10 lần trong hai thập niên. Các chuyên gia cho biết thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, nước giải khát, ngũ cốc có thể gây hại sức khỏe, tăng nguy cơ béo phì, sâu răng, tiểu đường.
Mục lục
Thiếu giá trị dinh dưỡng
Đường là một loại calo rỗng, không cung cấp bất kỳ vitamin, dinh dưỡng hay khoáng chất nào. Tiêu thụ calo rỗng gây nhiều tác hại cho sức khỏe như tăng cân, mất cân bằng, thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến các biến chứng về sức khỏe.
Người trưởng thành ở Mỹ tiêu thụ khoảng 308 calo từ đường bổ sung mỗi ngày, nhiều hơn so với khuyến nghị 100 calo ở nữ giới và 150 calo ở nam giới của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA).
Tuy nhiên, các sản phẩm có chứa đường tự nhiên như trái cây được tiêu hóa với tốc độ chậm hơn, trở thành nguồn năng lượng lâu dài, lành mạnh cho cơ thể. Chúng cũng chứa các loại chất dinh dưỡng khác như chất xơ và vitamin khoáng chất.
Đường gây tăng cân
Thực phẩm và đồ uống có đường chứa nhiều calo, dẫn đến tăng cân ngay cả khi tập thể dục thường xuyên.
Một số bằng chứng cho thấy đường ảnh hưởng đến nội tiết tố leptin. Đây là hệ thống giữ cho cơ thể không bị đói hoặc ăn quá nhiều. Gián đoạn hoạt động của leptin có thể dẫn đến tăng cân và béo phì.
Nghiên cứu năm 2011 trên chuột cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo và đường có thể dẫn đến tình trạng kháng leptin, xảy ra khi cơ thể không còn phản ứng với nội tiết tố này nữa. Các tác giả phát hiện việc loại bỏ đường khỏi chế độ ăn uống sẽ đảo ngược tình trạng đó.
Nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2014 cũng chỉ ra rằng đồ uống có đường là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng kháng leptin. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý đường chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây thừa cân và béo phì. Tình trạng này là kết quả của chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, di truyền, các yếu tố xã hội và môi trường. Dù vậy, hạn chế đường trong chế độ ăn là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa tăng cân.
Bệnh tiểu đường
Thực tế, chế độ ăn nhiều calo dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể gây bệnh tiểu đường tuýp 2. Song trong hầu hết trường hợp, ăn nhiều đường dẫn đến lượng calo cao.
Uống soda hoặc các loại nước giải khát có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Phân tích từ hơn 310.000 tình nguyện viên cho thấy những người tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 26% so với nhóm còn lại.
Nghiên cứu định nghĩa mức tiêu thụ cao là từ một đến hai đồ uống có đường mỗi ngày.
Sâu răng
Tiêu thụ nhiều đường có thể gây sâu răng. Sau khi ăn đường, vi khuẩn hình thành trong miệng và tạo ra mảng bám mỏng. Chúng phản ứng với đường có trong thực phẩm và đồ uống, kích hoạt giải phóng một loại axit làm hỏng men răng.
Cơ thể có thể tự chữa lành một số tổn hại. Tuy nhiên, theo thời gian, chế độ ăn nhiều đường gây ra những tổn thương lâu dài, dẫn đến sâu răng – lỗ hổng hình thành trên răng. Các chuyên gia cho biết hạn chế đồ ăn có đường là cách ngăn ngừa tình trạng này.
Bệnh tim
Công trình đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho thấy, ăn quá nhiều đường có thể gây tổn thương tim, ở cả những người không bị thừa cân. Nghiên cứu trong thời gian 15 năm trên 10,000 người chỉ ra rằng người tiêu thụ từ 25% lượng calo từ đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần so với những người ăn ít hơn 10% lượng calo từ đường.
Các thực phẩm điển hình được nhắc đến ở đây là nước ngọt, ngũ cốc, bánh mì, món tráng miệng từ sữa và nước uống trái cây.
Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng, tiêu thụ quá nhiều đường còn làm tăng huyết áp, tăng chỉ số triglycerides (cholesterol xấu), mức viêm trong cơ thể. Tất cả đều là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.