Bài viết được cố vấn chuyên môn từ ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh – Phòng rối loạn cảm xúc – Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Giống như người lớn, trẻ nhỏ đôi khi cũng cảm thấy lo âu và căng thẳng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự rối loạn lo âu ở trẻ em có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bậc phụ huynh cần lưu ý đặc điểm tâm lý này để có sự trợ giúp kịp thời cho con mình.
Mục lục
1. Điều gì khiến trẻ lo lắng?
Ở những độ tuổi khác nhau, trẻ em có những lo lắng khác nhau, đó là điều bình thường của quá trình trưởng thành.
Lo lắng về sự chia ly là điều rất phổ biến ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Khi bị tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc, chúng sẽ khóc và đeo bám. Đây là giai đoạn phát triển bình thường của trẻ và dừng lại ở khoảng 2 đến 3 tuổi.
Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo cũng thường phát triển những nỗi sợ hãi hoặc ám ảnh sợ hãi cụ thể. Những nỗi sợ hãi phổ biến trong thời thơ ấu bao gồm động vật, côn trùng, bão, độ cao, nước, máu và bóng tối. Những nỗi sợ hãi này thường tự biến mất dần dần.
Ngoài ra, một số thời điểm trong cuộc đời của đứa trẻ cũng khiến chúng cảm thấy lo lắng. Ví dụ, nhiều trẻ em cảm thấy lo lắng khi đến một trường học mới hoặc trước các bài kiểm tra và kỳ thi. Một số trẻ cảm thấy nhút nhát trong các tình huống xã hội và có thể cần hỗ trợ về điều này. Nếu bạn rèn luyện một lối sống khỏe cho trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu.
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường có những nỗi sợ hãi, lo lắng
2. Lo âu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Lo âu là một vấn đề sức khỏe khi nó bắt đầu cản trở cuộc sống hàng ngày của trẻ em. Khi đến trường học, tất cả trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, nhưng một số trẻ có thể lo lắng đến mức không muốn quay lại trường học.
Lo âu nghiêm trọng có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần và cảm xúc, ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Trẻ có thể tự thu mình và cố gắng trốn tránh những tình huống khiến chúng cảm thấy lo âu. Việc quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ vô cùng quan trọng mà bậc phụ huynh nào cũng cần lưu tâm.
3. Dấu hiệu lo âu ở trẻ em
Trẻ nhỏ cảm thấy lo âu quá mức nhưng thường chúng sẽ không thể hiểu được mức độ nghiêm trọng hoặc bày tỏ được vấn đề mà chúng đang đối mặt. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm để có thể nhận diện được rối loạn lo âu ở trẻ nhỏ gồm:
– Cáu gắt, mau nước mắt hoặc đeo bám
– Khó ngủ
– Thức dậy trong đêm
– Làm ướt giường
– Gặp ác mộng
Ở trẻ lớn hơn có thể xuất hiện các biểu hiện:
– Thiếu tự tin để thử làm những điều mới hoặc không thể đối mặt với những thử thách đơn giản hằng ngày
– Mất tập trung
– Có vấn đề với giấc ngủ hoặc ăn uống
– Cảm xúc giận dữ
– Có nhiều suy nghĩ tiêu cực hoặc tiếp tục nghĩ rằng những điều tồi tệ sắp xảy ra
– Bắt đầu tránh các hoạt động hàng ngày như gặp bạn bè, đi chơi nơi công cộng hoặc đi học
Nắm vững dấu hiệu lo âu của trẻ cùng cách điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh chăm sóc các con tốt hơn.
Với trẻ bị mắc bệnh rối loạn lo âu thường bị mất tập trung
4. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ có rối loạn lo âu?
Nếu một đứa trẻ đang trải qua sự lo âu, cha mẹ và người chăm sóc có thể làm những điều sau để giúp đỡ:
– Thường xuyên trò chuyện để trấn an trẻ và cho chúng biết bạn hiểu những điều trẻ đang cảm nhận
– Nếu con bạn đủ lớn, hãy cố gắng giải thích cho trẻ hiểu lo âu là gì và những tác động vật lý mà nó gây ra đối với cơ thể chúng ta
– Nói chuyện với con bạn về những lo lắng và lo âu của chúng, động viên và cùng trẻ tìm ra giải pháp
– Dạy con bạn nhận ra các dấu hiệu lo âu của bản thân
– Khuyến khích con bạn kiểm soát sự lo lắng và yêu cầu giúp đỡ khi chúng cần
– Trẻ em ở mọi lứa tuổi cảm thấy yên tâm về các thói quen, vì vậy, hãy cố gắng tuân thủ và duy trì lịch sinh hoạt hàng ngày của gia đình và trẻ nhỏ
– Nếu con bạn đang lo lắng vì những sự kiện đau buồn như mất mát hoặc chia ly, hãy tìm những cuốn sách hoặc bộ phim có thể giúp chúng hiểu được cảm xúc của mình
Xem thêm: Trầm cảm ở trẻ em: Cha mẹ cần lưu tâm
– Nếu bạn sắp có kế hoạch thay đổi như chuyển nhà, hãy chuẩn bị cho trẻ bằng cách nói chuyện với chúng về dự định và lý do bạn phải làm như vậy
– Cố gắng không trở nên bảo vệ trẻ hoặc lo lắng cho trẻ một cách quá mức
– Hướng dẫn trẻ cách thở chậm, sâu, chẳng hạn như hít thở sâu 3 hơi chậm, hít vào đếm 3 và thở ra sau 3s
– Sự phân tâm có thể hữu ích cho trẻ nhỏ. Ví dụ, nếu chúng lo lắng về việc đi học mẫu giáo, hãy chơi các trò chơi trên đường đến lớp, chẳng hạn như xem ai có thể phát hiện ra nhiều ô tô màu đỏ nhất,..
Để được tư vấn chi tiết về lo âu ở trẻ em, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615.
Thảo luận về post này