Bài viết được cố vấn chuyên môn từ ThS.BSNT Trịnh Thị Vân Anh – Phòng rối loạn cảm xúc – Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Trong quá trình lớn lên, đôi khi trẻ có thể cảm thấy buồn, cáu kỉnh hoặc có tâm trạng tồi tệ. Nhưng khi tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ kéo dài hàng tuần hoặc lâu hơn, và khi có những thay đổi khác trong hành vi của trẻ, có thể là dấu hiệu của rối loạn trầm cảm ở trẻ em. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu vấn đề này để có kiến thức hỗ trợ con mình.
Mục lục
1. Làm thế nào để nhận biết trẻ bị trầm cảm?
Nếu trẻ bị trầm cảm, cha mẹ có thể nhận thấy một số dấu hiệu sau:
– Tâm trạng buồn bã hoặc tồi tệ: Trẻ có thể buồn bã, cô đơn, không vui, dễ khóc hơn thậm trí dễ cáu kỉnh, nổi giận, có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
– Cảm giác tự phê phán bản thân: Trẻ trải qua giai đoạn trầm cảm có thể phàn nàn rất nhiều điều tự phê bình bản thân như: “Tôi không thể làm bất cứ điều gì đúng?”, “Tôi không có bất kỳ người bạn nào?”, “Tôi không thể làm điều này?”, “Nó quá khó cho tôi?”.
– Thiếu năng lượng và nỗ lực: Trầm cảm có thể khiến trẻ bị giảm năng lượng và nỗ lực, trẻ có vẻ mệt mỏi, dễ bỏ cuộc hoặc không muốn cố gắng ngay cả khi thực hiện những nhiệm vụ nhỏ nhất.
– Không thích thú bất cứ điều gì: Trẻ không còn nhiều niềm vui với bạn bè hay thích chơi đùa như trước nữa. Trẻ có thể không cảm thấy muốn làm những việc mà chúng từng yêu thích.
– Thay đổi giấc ngủ và ăn uống: Trẻ có thể ngủ không ngon giấc hoặc mệt mỏi ngay cả khi chúng ngủ đủ giấc. Một số trẻ còn không muốn ăn hoặc ăn quá nhiều.
– Nhức mỏi và đau: Một số trẻ có thể bị đau bụng hoặc các cơn đau khác. Một số nghỉ học vì cảm thấy không khỏe, mặc dù trẻ không bị ốm.
Khi đã nắm vững các dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm các bậc phụ huynh nên quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần giúp các con nhỏ có sức khỏe tốt nhất.
Trẻ bị trầm cảm thường mệt mỏi và ngủ không ngon giấc
2. Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trầm cảm, các nguyên nhân có thể kết hợp với nhau gây nên bệnh. Trầm cảm ở trẻ em có thể liên quan đến di truyền, nguy cơ càng tăng nếu cả bố và mẹ đều mắc trầm cảm hoặc các anh chị em đặc biệt là sinh đôi mắc trầm cảm.
Một số trẻ phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong cuộc sống như mất mát, chấn thương hoặc khó khăn, một số trẻ còn trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Những điều này có thể dẫn đến tình trạng đau khổ và gây nên trầm cảm.
Khi có thêm hỗ trợ trong và sau thời gian khó khăn sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi trầm cảm hoặc giảm bớt những ảnh hưởng. Nhưng ngay cả khi được hỗ trợ tốt, một số trẻ vẫn rơi vào trạng thái chán nản. Xây dựng cho trẻ một lối sống khỏe sẽ giúp các con phát triển tốt nhất.
Trẻ phải đối diện nhiều căng thẳng dễ bị trầm cảm
3. Liệu pháp điều trị trầm cảm ở trẻ em
Trầm cảm ở trẻ em không phải là sự yếu đuối hoặc một cái gì đó có thể được khắc phục bằng ý chí, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và cần điều trị lâu dài. Các triệu chứng trầm cảm có thể sẽ không tự thuyên giảm, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn hoặc dẫn đến các vấn đề khác nếu không được điều trị. Trẻ em trầm cảm có thể gây nguy cơ tự tử, ngay cả khi các dấu hiệu và triệu chứng không nghiêm trọng.
Xem thêm: Tìm hiểu về trầm cảm tuổi vị thành niên
Hầu hết trẻ em khi bị trầm cảm, các triệu chứng sẽ thuyên giảm khi được điều trị thuốc và tư vấn tâm lý kịp thời. Liệu pháp nhận thức hành vi là một liệu pháp tâm lý hữu ích trong điều trị trầm cảm ở trẻ em. Các thuốc chống trầm cảm mặc dù cải thiện các triệu chứng nhanh chóng nhưng không phải thuốc nào cũng được cấp phép trong việc điều trị trầm cảm cho trẻ. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với trẻ. Bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa của con bạn chính là nơi tiếp cận đầu tiên cho việc chữa trị.
Để được tư vấn chi tiết hơn về trầm cảm ở trẻ em, quý khách vui lòng liên hệ 1900969615.
Thảo luận về post này